Loser, đừng lu mờ!!! Loser ư? Ai mà muốn nghe câu chuyện từ 1 kẻ thất bại cơ chứ?.
Ừ, cũng đúng chứ nhỉ! Người ta chỉ muốn nghe lời của những người thành công chia sẻ chứ ai muốn nghe lời từ kẻ thất bại! Nhưng, có một sự thật là những bài học quý giá từ những thất bại là các bước đệm đi đến thành công.
Bạn đồng ý cũng được, bác bỏ cũng được, đó là suy nghĩ của bạn và tôi tôn trọng. Mục đích bài viết này, tôi cũng chỉ muốn chia sẻ một vài điều tích cực nhỏ bé đến thế giới rộng lớn bao la này mà thôi. Hi vọng những thông điệp này hữu ích đến ai đó!
Loser từ trong trứng
Đã bao giờ bạn so sánh tình cảnh gia đình mình với gia đình của những người bạn rồi cảm thấy tự ti hay chưa? Tôi thì tôi luôn mặc cảm về chuyện ấy từ lúc não tôi bắt đầu biết ý thức. Tôi là đứa con út trong một gia đình nông thôn nghèo, tại một vùng quê yên bình nhưng ngôi nhà thì chẳng bình yên chút nào (rượu chè, bạo lực gia đình các thứ).
Bố mẹ tôi đều là nông dân, chân lấm tay bùn nên cứ mưu sinh vất vả năm này qua năm nọ cũng chỉ đủ miếng ăn manh áo. Tôi biết tôi thật may mắn khi sinh ra là một đứa trẻ lành lặn. Tuy chiều cao không được mét 65 nhưng ý chí thì ngút trời. Tuy nhiên, những lúc cắp sách đến trường tôi vẫn luôn có cái cảm giác thiệt thòi và mặc cảm cứ âm ỉ chảy trong người tôi. Đồ tôi mặc, dụng cụ học tập đa phần là đồ cũ dùng lại từ các anh trai của tôi. Tôi có 3 anh trai lận, nên nếu tôi có lỡ to lớn đột ngột hay thông minh vượt lớp thì vẫn luôn có đồ để xài mà không cần phải mua sắm gì thêm.
Tính ra vì nghèo nên cuộc sống ngày của tôi cũng khá đơn giản. Sáng ra lật đật cuốc bộ đến trường, nghỉ giải lao thì ngồi xem tụi bạn khoe nhau đồ ăn vặt, đôi khi may mắn thì được ăn ké chút, cuối buổi học xong lại túc tắc đi về trong khi tụi bạn bon bon trên những chiếc xe đạp mới tinh hay la cà tại mấy quán nét với những trò chơi điện tử trông thật lôi cuốn.
Học lực tôi lúc ấy thì cũng tà tà, không khôn mà cũng chẳng dốt, nhưng mà được cái mỗi khi trường lớp có hoạt động gì thì tôi lại mất hút ngay. Cứ thẩn thơ sống như người vô hình giữa cuộc đời này vậy.
Lúc ấy tôi chỉ nghĩ, tầng lớp gia đình của chúng tôi chẳng khác gì các vai diễn quần chúng trong những bộ phim kiếm hiệp, ước ao được lên vai chính nhưng ước mơ chỉ là mơ ước của một cậu nhóc mới lớn. Lúc ấy, cho dù ai đó có mời tôi làm vai chính thì tôi cũng co rúm lại và từ chối. Bởi vì mặc định trong đầu tôi, những người nghèo khổ mưu sinh trong gia đình tôi không thể nào có thể trở nên đặc biệt được như các nhân vật chính trong phim.
Sự thiệt thòi
Tôi không nhớ rõ nhà tôi có cái TV đen trắng từ lúc nào nhưng tôi nhớ như in cái khoảnh khác tôi nhìn thấy cái điện thoại Nokia có tính năng chụp hình, lướt mạng đầu tiên là từ hồi lớp 8 (tôi nhớ không nhầm thì đó là năm 2008) từ thằng bạn của tôi. Kể đây thì nghe có vẻ xa xưa lắm nhưng thực ra lúc ấy người ta dùng điện thoại, smartphone phổ biến lắm rồi, trừ gia đình tôi cùng các hộ nghèo khác.
Lúc ấy, trong khi tụi bạn cùng lớp tôi nó mang điện thoại di động mở nhạc mọi lúc mọi nơi để giải trí thì tôi phải chạy về nhà bật cái đầu đĩa CD để cho đỡ thèm. Tôi cũng thích có điện thoại lắm. Nhưng tính đi tính lại, sơ sơ cái điện thoại bé tý thế mà cũng bằng giá tiền của cả 2 con lợn nái bự chà bá sau chuồng cộng lại.
Thương bố mẹ và tiếc con lợn nên tôi cũng không đòi bố mẹ tôi mua. Nói cho vui vậy thôi chứ tôi đâu dám mở mồm để xin. Tôi sợ sau khi mở mồm học đòi bạn bè như thế, đít của tôi lại in thêm vài vân hoa từ sợi roi mây, nên thôi.
Đến khi tôi lên cấp 3, lúc ấy tôi mới có một chiếc điện thoại mới không chính thức. Nói không chính thức là vì đó là chiếc điện thoại cũ mà anh trai đầu đưa cho cho tôi sau một thời gian dài sử dụng. Nói phế thì cũng chưa phế hẳn, chỉ hơi tàn tạ tý thôi, nói chung mọi chức năng thì vẫn ngon lành, ít nhất là vẫn có thể lạch cạch bấm phím nhắn tin cho bạn Crush.
Tôi nói thật lúc ấy tôi hiếm khi để điện thoại trong người lắm, đa phần là để ở nhà hoặc ở trong cặp sách mà hiếm khi lấy ra sử dụng trước mặt người khác. Vì ở cái độ tuổi ấy, nhu cầu thể hiện bản thân đứa nào đứa nấy cao cực độ. Mà xung quanh tôi, ai nấy cũng đều có những chiếc điện thoại vừa bắt mắt mà vừa trang bị đầy đủ tính năng tiên tiến. Lôi cái điện thoại cùi bắp của mình ra, tôi sợ lắm. Thà không khoe để mọi người nghi ngờ là nhà mình nghèo, còn hơn khoe ra thì mọi người chẳng cần phải nghi ngờ nữa. Mà với cái suy nghĩ lúc ấy, nhà nghèo là một cái gì đấy thật đáng xấu hổ.
Từ lu mờ đến được mong chờ
Với những nỗ lực và cố gắng không ngừng nghỉ của bản thân tôi, tôi dần được mọi người chú ý đến.
Cứ mỗi khi nghe tiếng gọi Đức ơi, giúp tao … là lòng tôi lại thấy khoái, chảy nước miếng. Bởi vì tôi biết tôi có giá trị nào đó để người ta họ nhắc tên tôi. Ít ra lúc ấy, tôi không còn là một người vô hình bơ vơ giữa dòng đời nữa.
Nếu không, tôi nói thật, là một đứa hướng nội trầm tính, nếu không tìm được ý nghĩa tồn tại của cuộc đời khi ấy thì tỷ lệ đăng xuất khỏi trần gian cũng khá là cao. Bởi vì, một đứa lu mờ như tôi trước đây có hay không thì cuộc sống vẫn cứ diễn ra như thế.
Nhưng những tiếng gọi, những lời kêu gọi giúp đỡ khi ấy đã kéo tôi thoát ra khỏi hố sâu của sự tuyệt vọng, và bắt đầu sống một cuộc sống ý nghĩa hơn.
Vì vậy, thay vì bị lu mờ đến mức không tồn tại, hãy khiến bản thân mình có giá trị hơn để cảm nhận chút ý nghĩa của cuộc đời lúc còn thanh xuân.
Cú vấp xương máu
Thừa thắng xông lên. Lúc ấy tôi phải nói là tư duy của mình phát triển khá nhanh sau khi tôi đã phá bỏ được những rào cản trong tư duy của bản thân. Tôi luôn cầu toàn phát triển bản thân lên một tầm cao mới mà quên mất việc nhìn nhận các nguồn lực mà tôi đang có.
Khi ấy, năm 2017, cái phong trào khởi nghiệp nổ ra như là một món khai vị ngọt ngào hấp dẫn những đứa nhiệt huyết và non trẻ như tôi. Lúc ấy, người người nhà nhà đều nhắc đến cụm từ khởi nghiệp, khao khát đi khởi nghiệp như thể đó là cô gái xinh đẹp và nóng bỏng trong mắt tụi đàn ông. Tôi chủ động tham gia vào các hội nhóm doanh nhân, giao lưu và học hỏi kiến thức cùng các anh chị thành viên trong hội.
Và với một người trẻ nhiệt huyết như tôi, chém gió thôi thì làm sao thỏa mãn được cái tư duy đang đói khát thành công mãnh liệt như thế. Vậy là tôi quyết định dùng số vốn tích cóp của mình từ việc làm phiên dịch viên, Reup youtube trước đó cùng sự giúp sức của 1 người thân để đầu tư mở một quán cà phê.
Với kiến thức hiện tại mà tôi đang có, tôi thấy quyết định khi ấy thật sự sai lầm và thật đáng tiếc. Tiếc là lúc ấy chẳng có ai đủ trải nghiệm, sự từng trải hay thông thái để cho tôi một lời khuyên chân thành. Khởi nghiệp có rất nhiều cách, nhưng việc chui đầu vào một mô hình truyền thống trong một thị trường đỏ choét thì ẩn chứa cực kỳ nhiều rủi ro.
Và như là một điều tất yếu, sự nghiệp khởi nghiệp của tôi đã chết yểu trong vòng 1 năm, tiêu tốn hết mọi nguồn lực mà tôi đang có khi ấy: Tiền bạc, thời gian, công sức, sức khỏe, tinh thần, mối quan hệ,… thậm chí biến tôi trở thành một con nợ khi tôi cứ cố gắng ngoi ngóp trong một mô hình kinh doanh và thị trường khắc nghiệt như thế.
Lúc ấy, từ một kẻ có chút bản lĩnh và sự tự tin nhất định, tôi lại trở thành một kẻ thất bại toàn tập.
Đứng lên
Sự thất bại của tôi đã kéo cuộc đời tôi xuống hố sâu cùng những hệ lụy thật kinh khủng. Nhưng để duy trì cuộc sống và hoàn thành trách nhiệm với những khoản nợ, tôi bắt buộc phải tiếp tục cố gắng trong sự cô đơn và mệt mỏi. Tôi không muốn làm phiền đến gia đình tôi chút nào. Vì tôi biết, một đứa có trình độ đại học như tôi là hi vọng của gia đình chúng tôi.
Lúc ấy, những áp lực cuộc sống cứ ập đến liên tục khiến cho tôi không được minh mẩn và sáng suốt trong suy nghĩ của mình nữa. Tôi chỉ biết sử dụng các kỹ năng mà mình có khi ấy: Tiếng Anh, Fitness để đi dạy kèm cho người ta kiếm miếng ăn trụ lại giữa đất thành phố sống qua ngày.
Và vì tôi cũng là đứa khá năng nổ (thích đi đây đó một mình) và có khả năng uống bia rượu di truyền nên tôi thường la cà tại các quán bar dành cho Tây ở khu vực An Thượng, Đà Nẵng. Khi ấy, tuy trông tôi lùn lùn nhưng tụi Tây nó cứ ngưỡng mộ vì tôi đêm nào cũng bia rượu mà vẫn giữ được bụng 6 múi nét căng. Thế là vô tình tôi trở thành HLV fitness ngoài trời cho những người thích bia rượu như tôi.
Từ miệng người này sang người khác, tự nhiên tôi trở thành một thằng PT ngoài trời cũng khá có tiếng khi ấy. Ngoài các buổi huấn luyện cá nhân, tôi còn tổ chức các buổi tập thể thao cộng đồng để tạo không khí tập luyện sôi động cho các thành viên.
Từ một Loser, tôi đã trở thành một leader, ít nhất đối với cộng đồng nhỏ mà do chính tôi khởi xướng.
Nghĩ lớn
Khi ấy, việc cơ thể vận động quá nhiều cộng thêm việc bia rượu tới tấp mỗi đêm thực sự làm cho tôi xuống sức. Tôi lẩm nhẩm trong đầu, tình hình mà thế này thì chắc tôi trụ đến năm 30 tuổi là cùng. Phải tìm hướng đi mới thôi.
Thế là tôi tiếp tục tìm hiểu nhiều phương án khác nhau, bao gồm cả việc đứa học viên Tây giàu có muốn đầu tư mở phòng Fitness đứng tên tôi. Nhưng điều tôi tâm đắc nhất đó là phương án tạo các khóa học Online theo giáo trình có sẵn rồi bán cho người khác như cách mà thị trường Fitness nước ngoài đang áp dụng rất thành công.
Vậy là tôi bắt đầu tìm hiểu và nghiên cứu cách người ta tạo ra các hệ thống giảng dạy ấy. Khổ cho tôi! Cái gì tôi đã muốn làm thì tôi phải hiểu nó mới được cơ. Tôi thích đi lên từ rễ thế là tôi lao đầu vào học cách làm Website, khởi tạo các hệ thống Online cho Website.
Vừa hay lúc ấy, đại dịch Covid ập đến, thế là tôi lại được dịp tập trung 100% công lực để đi sâu vào mảng này. Vậy là tôi lại bén duyên với Marketing nói chung hay xây dựng Website nói riêng. Nhiều khi đói quá, tôi lại nhận thêm các công việc viết bài chuẩn SEO cho các Website. Nói chung bản thân tôi cũng có khá nhiều trải nghiệm cuộc sống nên bài tôi viết thường khá sâu và đạt được cảm tình của người ta. Lời văn của tôi thì không được hay cho lắm nhưng tôi nghĩ giá trị nội dung là thứ khiến tôi có thể tự hào.
Tuy nhiên tôi nhận thấy tôi hợp với việc xây dựng hệ thống + quản lý tổng thể hơn là việc đi sâu chi tiết vào từng kỹ năng. Tôi có thể tự viết nội dung, tự SEO website Splanet chấm vn lên TOP google nhưng khi tôi quá tập trung vào một thứ thì tôi cứ cảm giác mọi thứ khác sẽ bị mất cân bằng.
Và cái cảm giác ấy của tôi không chỉ xuất hiện khi tôi làm các dự án của mình, mà còn toát ra mạnh mẽ hơn khi tôi làm các dự án Website, Marketing cho khách hàng. Mọi người thường tìm đến tôi để giúp họ tạo ra một cái Website.
Nhưng thực tế Website chỉ là một công cụ đại diện cho một mô hình kinh doanh. Nó hiệu quả hay không còn tùy thuộc rất nhiều vào cái mô hình vận hành đằng sau nó. Đặc biệt là các mô hình kinh doanh mới áp dụng công nghệ 4.0 tự động hóa. Nhiều khi, khách hàng làm xong vứt đỏ năm này qua năm khác chả thấy triển khai gì.
Trong khi, nếu biết cách sử dụng, Website là một công cụ Marketing cực kỳ hữu ích tích hợp nhiều tính năng nâng cao và hiện đại để đẩy mạnh quá trình kinh doanh Online của người ta
Cho nên, tôi chợt lóe lên ý tưởng là đi tư vấn và hỗ trợ chiến lược Marketing, nội dung tổng thể cho mô hình kinh doanh, kiếm tiền của người ta. Ít nhất để giúp người ta hiểu và có đủ kiến thức để tự vận hành và quản trị mô hình của mình mà không bị quá lệ thuộc vào các bên khác. Và thế là dukephung chấm com ra đời từ đó.
Bài học quý giá
Là một người từng thất bại vài lần lần, tôi thấy sự thất bại nào cũng có cái giá trị của nó. Tất nhiên tôi sẽ không tự hào vì những thứ mình đã làm, mà điều khiến tôi tự hào là hành trình phát triển bản thân và rèn luyện bản lĩnh sau những cú vấp sấp mặt và trầy trụa. Ít nhất là bây giờ, tôi có chút kiến thức để nhìn nhận, đánh giá và dự đoán các khả năng có thể xảy ra cho bản thân tôi, hay những dự định mà người khác muốn làm giống như tôi lúc trẻ.
Tôi cảm thấy tôi khá có duyên với những dự án startup nơi quy tụ những con người có nhiệt huyết cháy bỏng cùng thái độ dám nghĩ dám làm. Tuy nhiên, giống như tôi trước đây, khởi nghiệp mà chỉ dựa vào ý tưởng tầm thường cùng với một mô hình bình thường thôi thì tỷ lệ thất bại hầu như là 90%.
Cho nên, trước khi bắt đầu, hãy nghiên cứu thật kỹ và tham vấn kinh nghiệm của những kẻ thất bại trước đó. Tuy rằng họ đã thất bại, nhưng sự hiện diện của họ cùng các bài học quý giá sẽ là bước đệm để giúp bạn đi đến thành công một cách vững chắc hơn.
Tôi bén duyên với các startup, được rủ đồng hành và mời tham gia một số dự án. Nhưng khi trao đổi và làm việc chung, tôi thấy đa phần mọi người đều quá nhiệt huyết với một mô hình cũ kỹ như tôi ngày trước mà không tìm hiểu các cơ hội tiềm năng từ Internet ngày nay, trong khi, tiềm lực thì đều bó hẹp trong một khuôn khổ ít ỏi. Lời góp ý từ tôi đa phần đều được bỏ ngoài tai nên hầu như tôi đều chủ động rút lui. Và kết quả thì chắc mọi người cũng biết!
Ở đây, tôi xin các bạn hiểu rằng tôi không phải là kẻ ngạo mạn và cho mình là kẻ thông thái để đi dạy đời kẻ khác. Tôi chỉ đóng góp ý kiến ở phương diện của một kẻ từng trải và va vấp, thất bại trong cuộc sống. Tôi khích lệ những ước mơ, cho dù nó to lớn đến bao nhiêu. Nhưng tôi không muốn nhìn thấy người khác lặp đi lặp lại những sai lầm cơ bản khi mà điều đó có thể học được từ những người đi trước.
Vì vậy, cái nào tôi không tự tin, tôi cũng rút ra một cách êm đềm và không gây bất kỳ ảnh hưởng nào đến hoạt động của dự án ấy.
Nên cứ như lão Conan, cái mặt tôi xuất hiện ở đâu là ở đó có sự thất bại của Startup. Oan không chịu được
Công dân có ích
Người ta thường nói, thất bại là mẹ thành công. Tôi chỉ thấy nó đúng một phần. Theo tôi nghĩ thì bài học sau thất bại mới là mẹ của thành công thực sự. Bởi vì tôi thấy, thực tế có khá nhiều người cứ lặp đi lặp lại một sai lầm từ dự án này đến dự án khác.
Cho nên tôi, một kẻ đã từng thất bại, và chưa hẳn đã thành công, cảm thấy những bài học từ các thất bại, quá khứ sai lầm của mình thật giá trị không chỉ cho riêng tôi mà còn có thể có ích cho nhiều người khác.
Đôi khi, một lời khuyên có thể trở thành lời khuyên nghìn tỷ không phải bởi vì nó quý, mà vì nó giúp người khác tránh được những mất mát, hậu quả không đáng có.
Vì vậy, một kẻ loser như tôi, hay có thể là bạn đừng vì những thất bại cả về khách quan lẫn chủ quan mà làm lu mờ đi con người, nhiệt huyết của mình. Ở phương diện nào đấy bạn và tôi vẫn luôn là người có giá trị đối với cộng đồng, xã hội này.
Bài viết này, tôi không chỉ viết cho những bạn trẻ với đam mê khởi nghiệp, mà còn nhắn nhủ đến các bạn trẻ đi làm công ăn lương tại các tổ chức, công ty.
Nếu bạn nghĩ bạn là một kẻ thất bại, sống cuộc sống tầm thường ngày này qua ngày nọ cùng với công ty thì sớm hay muộn, hình bóng của bạn cũng sẽ bị lu mờ và bị thay thế. Thay vì vậy, hãy chủ động nâng cấp bản thân, trang bị các kỹ năng đặc biệt là củng cố kỹ năng chuyên môn để trở thành một công dân có ích. Các sếp, đặc biệt là các sếp tại các công ty khởi nghiệp ngày ngày đều đau đầu lo tính chuyện phát triển công ty, hay đơn giản nghĩ về việc trả lương hàng tháng cho bạn. Bạn không cần phải quá nổi bật, miễn sao trong hành trình khởi nghiệp ấy, bạn cố gắng hết mình để cùng với sếp chèo lái con thuyền vượt qua bão giông và gặt hái được nhiều hoa thơm trái ngọt.
Kẻ thất bại, đó chỉ là một trạng thái trong một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Chả có ai tự tin khẳng định mình là kẻ luôn thành công cả. Và sẽ chẳng kẻ hiểu đời nào tự hào vì những thất bại của mình. Điều tự hào nhất là mang những bài học từ các sai lầm trong quá khứ để bồi đắp thành công trong hiện tại, tương lai. Nhưng một điều mà bạn có thể khẳng định: Tôi sống và cống hiến hết mình để vươn đến thành công! – Một cuộc sống mà tôi xứng đáng được hưởng!
Loser, đừng lu mờ!
‼️Theo dõi Dân Đen Khởi Nghiệp tại‼️
?Fanpage: https://www.facebook.com/dandenkn
?Cộng đồng: https://www.facebook.com/groups/dandenkhoinghiep
?Youtube: https://www.youtube.com/channel/UC-lkpP1CX1i8mXQZLsxzGxQ
KEYWORD:
kẻ thất bại,
Loser đừng lu mờ,
thành công,
khởi nghiệp